Các thiên kiến nhận thức (cognitive bias) là một khái niệm cơ bản trong tâm lý học. Hiểu đơn giản rằng đó là hành vi con người có xu hướng nhận thức (kiến) nghiêng về (thiên) một hướng nào đó có lợi cho cảm xúc hay nhận định của mình.
Rất khó để nhận định rằng thiên kiến là một dạng “lỗi” vì nó vốn phục vụ một mục đích tiến hóa rất quan trọng: bảo vệ sự hạnh phúc và thoải mái trong tâm lý con người. Tuy vậy, thiên kiến thường khiến chúng ta đưa ra những nhìn nhận thiếu chính xác, tai hại hơn là đưa ra quyết định trên nhận định sai lầm. Điều này cũng cực kỳ tai hại trong huấn luyện võ thuật, khi luồng logic cần được đảm bảo tính chính xác và hoàn thiện.
Không cần phải là một chuyên gia tâm lý học để hiểu rõ và vận dụng các kiến thức về thiên kiến. Nhận ra sự thiên kiến không phải điều khó, sửa đổi nó mới là một hành trình thực sự gian nan, thậm chí phần nhiều mang tính “tu tập” nghiêm túc.
Sau đây là các dạng thiên kiến thường gặp trong huấn luyện võ thuật
1) THIÊN KIẾN XÁC NHẬN – CONFIRMATION BIAS
Ví dụ: Bạn có niềm tin rằng các võ sĩ kèo phải (southpaw) sẽ có khả năng đánh tỉa đòn, và giao tranh ở cự ly dài tốt hơn. Niềm tin đó khiến bạn liên tục tìm kiếm và ghi nhớ các võ sĩ thực sự đánh kèo phải và có khả năng tỉa đòn tốt, nhưng lại bỏ qua các ví dụ chứng minh ngược lại.
Con người nhìn chung có xu hướng tìm kiếm các bằng chứng có lợi cho nhận định sẵn có. Điều này dễ khiến bạn củng cố quan điểm, nhưng khó mở rộng tầm nhìn, hay thực sự kiểm chứng lại nhận định ban đầu – dù nhận định đó có thể xuất hiện một cách rất bâng quơ ngẫu hứng.
Dạng thiên kiến này khá tương đồng với “Thiên kiến mỏ neo”, khi mà một thông tin ban đầu nếu được chấp thuận sẽ khiến các thông tin kế tiếp trở nên dễ chấp nhận hơn.
Ví dụ: Thông tin đầu tiên: Võ sĩ A là một thần đồng và có khả năng tiếp thu nhanh. Điều này khiến bạn dễ rơi vào các nhận định khác rất nhanh chóng mà không kiểm chứng, chẳng hạn như “Võ sĩ A này sẽ thực hiện được các động tác khó, cậu ta sẽ có khả năng kiểm soát không gian tốt bẩm sinh,…”
Tương tự như vậy, một dạng khác là “thiên kiến kinh nghiệm” sẽ khiến bạn đặc biệt tin tưởng vào nhận định sẵn có của mình và khó chấp nhận các luồng tư tưởng – kiến thức khác.
2) THIÊN KIẾN LẠC QUAN – OPTIMISM BIAS
Thiên kiến lạc quan là khi HLV có xu hướng tin vào các viễn cảnh lạc quan cho quá trình huấn luyện và thi đấu. Chẳng hạn:
“Không sao cả, thằng ấy nó lỳ thật đấy, nhưng đấm trúng được nó bằng một quả số 2 chất lượng là nó sẽ nhát ngay.”
“Thằng ấy sức mạnh khủng thật, đừng để nó tiếp cận là được.”
Lạc quan luôn là một lối sống tốt, nhưng để nó hình thành thiên kiến sẽ khiến bạn bỏ qua các rủi ro có thật và đáng quan ngại. Ngược lại với thiên kiến lạc quan, còn có hình thái thiên kiến bi quan.
3) THIÊN KIẾN THẤU HIỂU – EMPATHY GAP
Ví dụ: HLV là một người chưa từng phải tập luyện xa nhà trong nhiều tháng liền. Khi nắm võ sĩ, HLV này lại có rất nhiều võ sĩ xa nhà đến từ các tỉnh khác, họ hứng chịu nhiều áp lực tâm lý mà HLV không thể hiểu rõ và chia sẻ.
Tâm lý đóng vai trò quan trọng với võ sĩ, nhưng lại có những “triệu chứng” rất mờ nhạt và khó bắt bệnh. Các thiên kiến thấu hiểu kiểu “Xời, chỉ là tập luyện xa nhà thôi mà”, của một HLV có thiên kiến thấu hiểu sẽ khiến cho HLV bỏ qua các dấu hiệu suy sút tâm lý, khó gắn bó với võ sĩ và không thể chủ động tìm kiếm phương án khắc phục.
4) THIÊN KIẾN SAI LỆCH THÔNG TIN - MISINFORMATION EFFECT
Ví dụ: Sau một buổi huấn luyện với rất nhiều bạn và rất nhiều cặp sparring khác nhau, tôi hỏi bạn A: “Nhớ con nhỏ tóc ngắn màu vàng đeo găng đỏ hôm qua không, cái đứa hôm qua đấm số 4 không trượt phát nào đấy, lối đánh nó ok phết!” Bạn A khả năng sẽ trả lời: “Ừ tao nhớ nó! Nó đánh số 4 tốt đó”.
Bạn biết gì không? Cô gái đó có thật, cũng tóc ngắn màu vàng, đeo găng đỏ. NHƯNG CÔ ẤY KHÔNG ĐẤM TRÚNG CÚ SỐ 4 NÀO CẢ!
Trí nhớ con người thực tế rất mong manh và dễ nhiễu loạn, nhưng chúng ta lại cho nó một niềm tin rất lớn. Câu hỏi của tôi ở ví dụ trên đã củng cố một thông tin sai lệch vào trí nhớ đầy lỗ hổng của bạn tôi rằng “cô gái tóc ngắn màu vàng đấm số 4 rất tốt”, và ngay lập tức nó hình thành một khẳng định không có thật trong đầu bạn A.
Các thiên kiến dạng này thường được/bị tạo ra bởi những tình huống rất ngẫu nhiên và vô tình, dẫn tới những nhận định có thể cũng không quan trọng lắm, hoặc ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch huấn luyện.
5) THIÊN KIẾN KHUÔN MẪU – STEREOTYPING
Ví dụ: Cứ võ sĩ gốc Quảng Ngãi, Thanh Hóa là sẽ lỳ lợm, máu chiến, võ sĩ Mexico thường đánh cắt góc,…
So với các loài động vật thì trí não con người phải gánh một lượng thông tin khổng lồ trong đời sống thường ngày, chưa nói đến các công tác chuyên môn nghề nghiệp. Vậy nên, phản xạ cơ bản của con người là sẽ “đóng khung” sự vật sự việc thành nhiều khuôn mẫu. Các khuôn mẫu đó có thể hình thành từ quá trình lớn lên, được giáo dục, tự tích lũy kinh nghiệm,… và cũng được củng cố mạnh mẽ bởi một hệ thống truyền thông – báo chí – mạng xã hội có xu hướng cố gắng đơn giản hóa vấn đề để dễ tiếp thu, dễ “nuốt”. Nhiều thiên kiến khuôn mẫu kiểu “đàn ông sao Hỏa đàn bà sao Kim” cũng vậy.
Thực tế, các khuôn mẫu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người nhanh chóng đưa ra nhận định, sắp xếp vấn đề, nhớ rõ các tập hợp đặc điểm, tính chất,… và các khuôn mẫu thường không sai – nếu xét trên số đông. Tuy vậy, công tác huấn luyện võ thuật đòi hỏi người HLV phải đào sâu, tìm tòi và phát huy những tố chất cá biệt của từng cá nhân một. Việc bám theo các thiên kiến khuôn mẫu sẽ bóp nghẹt các dị nhân kỳ tài, những con người vượt ra ngoài khuôn khổ, cũng như không tạo ra được sự phát triển đột phá dù đã có nhiều năm kinh nghiệm huấn luyện.
6) THIÊN KIẾN KẺ SỐNG SÓT – SURVIVORSHIP BIAS
Ví dụ: Các nhà vô địch Boxing Olympic có thể có lối đánh phòng thủ hai bên (chặn đòn 3 – 4) không quá tốt. Việc phòng thủ đòn 3 4 là không quá quan trọng – nếu so sánh với các yếu tố khác.
Đây là kiểu thiên kiến khi chúng ta đánh giá trên sự thành công của một người / một nhóm người vượt trội mà bỏ qua các ví dụ khác, dẫn đến việc chúng ta không có cái nhìn toàn cảnh. Boxing nghiệp dư đã có một thời gian dài thi đấu với mũ bảo hộ cho cả nam và nữ, loại mũ hở phần mặt và vẫn lãnh trọn đòn 1 – 2 nhưng lại bảo vệ khá tốt ở hai bên. Ngoài ra, các võ sĩ giỏi cũng sở hữu một khung cơ cổ rất tốt, giúp họ hấp thụ tốt chấn động gây knock out, đồng thời có khả năng kiểm soát khoảng cách tuyệt vời, khiến đối thủ khó tung đòn 3 – 4 ở hiệu suất tối ưu.
Như vậy, quan niệm “không thủ tốt 3 – 4 vẫn trở thành vô địch” là một nhìn nhận sai lầm, mà cần hiểu rằng “cần có nhiều yếu tố khác như cơ cổ, khả năng kiểm soát khoảng cách,… để có thể leo tới ngôi vô địch mà không cần phòng thủ 3 – 4 quá tốt”. Thực tế họ đã “phòng thủ” những cú 3 4 từ trước khi những đòn đấm đó được tung ra.
Các nhà vô địch luôn có một sự vượt trội to lớn ở một hay nhiều khía cạnh, và dẫn tới lợi thế tổng thể cũng như sự thành công của họ. Nếu chỉ nhìn vào bề nổi những gì họ thể hiện mà không đánh giá được các yếu tố khác, bạn sẽ rơi vào bẫy thiên kiến kẻ sống sót.
Chúng ta nhìn nhận Floyd Mayweather là một trong những boxer có khả năng phòng thủ tốt nhất lịch sử, nhưng nếu chúng ta chỉ cho rằng đó là nhờ kỹ năng Philly Shell thì đó là sai lầm. Đôi chân, tấm lưng và cả bộ não của Mayweather đều đóng góp vào kỹ năng phòng thủ đó và khiến cái “vỏ sò” của ông trở thành một trong những kỹ - chiến thuật gây ức chế nhất lịch sử Quyền Anh.
7) THIÊN KIẾN VỊ KỶ - SELF SERVING BIAS
Ví dụ: “Không có tôi thì làm sao mà võ sĩ A, võ sĩ B có thể cải thiện footwork được như vậy? Các anh toàn tập trung vào đòn tay mà không cho nó tập footwork.”
Thiên kiến vị kỷ là dạng nhận thức mà ở đó chúng ta đánh giá vai trò của mình quan trọng và mang tính “chí mạng” hơn công sức của những người khác. Kể cả ở đẳng cấp HLV và hơn thế nữa, bất cứ ai cũng cần học. Một HLV đã có 30 năm kinh nghiệm có khi cũng cần lắng nghe một cậu học sinh phong trào đang là sinh viên Y Dược để hiểu đúng hơn về một số loại thuốc.
Một HLV có trình độ và tầm quan trọng càng cao thì càng dễ đối mặt với cái bẫy thiên kiến vị kỷ, khiến vị HLV đó giảm khả năng tiến bộ và không ngừng học hỏi, cũng như đưa ra những nhận định sai lệch khi đánh giá lại các thành công – thất bại trong công tác huấn luyện võ thuật.
TÌM HIỂU THÊM VỀ THIÊN KIẾN
Có đến hàng trăm tên gọi khác nhau về các loại thiên kiến, được đúc kết và định danh bởi nhiều thế hệ nhà tâm lý học ở nhiều trường phái khác nhau. Các ví dụ trên chỉ mới nêu vắn tắt các dạng thiên kiến thường gặp và mang tính tương đồng cao với nhiều dạng khác. Là một Huấn luyện viên, người mang trọng trách truyền tải kiến thức võ thuật, định hình môi trường tập luyện và đưa ra nhiều quyết định quan trọng cho sự nghiệp võ sĩ, thiết nghĩ tất cả chúng ta đều mang thêm trọng trách tự phát triển bản thân, không chỉ ở kiến thức chuyên môn mà còn cả các kỹ năng tâm lý – cho võ sĩ và cho chính bản thân mình. Không khó để tìm hiểu thêm về thiên kiến thông qua các nguồn tài liệu công cộng.
Như ở đầu bài viết đã nói, việc xóa bỏ thiên kiến là một hành trình có thể ví như “tu thân” vậy.
Hồ Võ
bài viết hay, cho lên toktok thôi 🥰🤣